Cách luộc gà cúng đúng kỹ thuật
Biên tập bởi: Thần Cơ tiên tử - Ngày: 17/06/2021 01:50:31
Trong hầu hết các mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, giỗ chạp, cưới hỏi… không thể thiếu con gà trống? Con gà là tượng trưng của điều lành, dự báo tương lai, gắn bó với nền nông nghiệp lúa nước nên từ lâu, trong các mâm cỗ luôn có có mặt của con gà trống. Con gà trống rất quan trọng trong tín ngưỡng thờ mặt trời với cư dân trồng lúa nước. Blog Số Đề sẽ chia sẻ cho bạn cách luộc gà cúng đúng kỹ thuật.
Mục lục bài viết
Ý nghĩa của việc cúng gà
Từ thời cổ đại, gà trống đã trở thành loài vật linh thiêng trong nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng với tư cách là lễ vật. Đối với tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, con gà trống lại càng là biểu tượng gần gũi, thiết thân. “Mật mã văn hóa” con gà thể hiện những diện mạo khác nhau về cuộc sống, tư tưởng và lịch sử của nền văn minh lúa nước. Và gà là loài gia cầm được nhân loại thuần hóa từ rất sớm, nó là nguồn thực phẩm tốt bổ sung cho cuộc sống săn bắt hái lượm vốn thất thường trong thời kì nguyên thuỷ. Từ đó, nó trở nên quan trọng với việc bảo tồn và phát triển các cộng đồng người, người nuôi nó và nó nuôi người. Gà trống có thói quen gáy sáng, tiếng gáy vang xa, báo thức cho cả cộng đồng, nó trở thành dấu hiệu báo thời gian để con người ý thức về phạm trù ngày.
Gà mái mắn đẻ và khéo nuôi con, khả năng sinh sản số lượng tương đối cao, có ích cho chăn nuôi. Loài gà ăn hạt cây và tôm tép nhỏ, sinh vật nhỏ, ít cạnh tranh với thực phẩm của người. Loài gà sống sạch sẽ so với nhiều loài khác. Hình thức đẹp, nhỏ nhắn, hiền hoà. Tập tính không đe dọa mạng sống con người… Đó là những cơ sở rất thực tiễn cho những suy tưởng tinh thần trên đó và tạo cho gà thành vật phẩm cúng giỗ phổ biến.
Chọn gà cúng
Để có một con gà cúng đẹp, chị em cần chú ý các điểm sau: con gà (trống hoặc mái tơ) mào phải đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, chân nhỏ (gà ri) nặng từ 1,2kg - 1,4kg là vừa, gà to quá bày không đẹp, thịt kém ngọt nhiều xương. Khi gà mua về cắt dây trói chân, thả vào chuồng hoặc vào lồng 2-3 giờ để gà đi lại cho máu không tụ ở chân, sau đó mới cắt tiết.
Nếu là gà dùng vào ngày 23 Tết hoặc bữa cơm tất niên là để ăn, do đó cần chọn gà mái béo đã đẻ trứng một đợt ăn sẽ ngon hơn. Còn gà cúng giao thừa thì nhất thiết phải chọn gà trống tơ khỏe mạnh, mào lớn màu cờ, mình gà vàng đầy đặn, chân vàng, chưa đạp mái. Tốt nhất là chọn gà trống hoa mơ (chân cao, màu vàng hoặc trắng), rồi tới gà trống tía, trống đen, trống lông tạp, gà ri (màu mận, vàng sẫm, mào cờ 5 khía, chân nhỏ, chưa nhú cựa, da và chân màu vàng) cũng rất được chuộng để cúng tế.
Chuẩn bị trước khi luộc gà cúng
Nguyên liệu phụ ngoài gà bao gồm gừng, hành khô, mỡ gà, nghệ.
Xoong/ nồi luộc gà phải đủ lớn để đặt vừa gà. Gà đã được mổ và làm sạch. Để gà luộc xong, đem chặt miếng thịt được đầy đặn và đẹp mắt, bạn nên nhờ người bán hàng mổ moi, làm sạch sẽ bổ miệng, cứa khớp để hai chân quặp vào bụng phía sau (khéo cứa chân để gà không bị co về phía trước – là tư thế gà bực tức, co chân chuẩn bị đá song phi). Rửa gà với muối để da gà được sạch sẽ, cần rửa sạch tiết để làm nước luộc không bị đục và tiết bám đen vào da gà.
Buộc gà: Gập chân vào sát đùi gà, dùng chỉ hoặc dây lạt buộc cố định. Dùng dây mềm để không cắt phạm da gà.
Rạch hai đường hai bên cổ, nhét cánh gà ngược ra phía miệng gà theo hai lỗ rạch đó. Chỉ để phần đầu cánh chìa ra ngoài.
Cách luộc gà cúng
Luộc gà cúng bạn phải chọn nồi sâu lòng, cho gà vào nồi, đổ nước ấm khoảng 30 – 40 độ ngập thân gà (không cho gà vào nước nóng vì da gà bị nóng đột ngột sẽ co lại, dễ bị rách, không đổ nước lạnh vì quá trình làm nước nóng lâu gà sẽ tiết nước ra làm thịt gà bớt ngọt), đun tới khi sôi lăn tăn (không sôi sùng sục) thì hớt bỏ bọt và cứ để thế khoảng 7- 8 phút. Nướng 1 củ gừng, 1 củ hành, đập dập bỏ vào nồi nước luộc gà rồi luộc tiếp (5 phút nếu là gà non để, 10 phút với gà luộc để ăn). Tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nước thêm 5 phút.
Muốn da gà giòn, khi vớt ra thả ngay vào nước thật lạnh, khi nguội hẳn thì vớt ra, để ráo. Hơn nữa, gà luộc ngâm qua nước lạnh thì thịt săn, chắc, lúc chặt và xếp gà rất dễ, không bị vỡ nát.
Giã nát một chút xíu nghệ tươi rồi vắt lấy nước, đem trộn với mỡ gà đã rán vàng. Khi thấy gà ngâm nước lạnh xong, vớt ra, đã ráo nước thì quét một lớp mỏng hỗn hợp này đều lên phần da gà. Đảm bảo da gà sẽ vàng ươm, thậm chí trông rất căng và bóng.
Xếp gà cúng lên đĩa
Đặt gà lên đĩa to, tháo dây lạt, bày gà ngay ngắn, mỏ cài bông hoa hồng đỏ (tiết, lòng bầy dưới bụng), bầy thêm một đĩa muối tiêu, chanh ớt thái mỏng và một ít lá chanh thái chỉ cho thêm phần hấp dẫn.
Kết luận
Bài viết đã chia sẻ bí quyết để có một con gà cúng không bị nứt, đen đầu ngon và đẹp ta. Mong cách luộc gà cúng này hữu ích với bạn.
Gửi đánh giá, thảo luận
Tin xem nhiều